Sốc nhiệt do nắng nóng nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể để lại những biến chứng nặng nề, thậm chí đột tử.
Sốc nhiệt có thể dẫn đến đột tử
Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao quá mức (trên 40oC), diễn ra đột ngột chủ yếu do tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao trong một khoảng thời gian dài.
Sốc nhiệt thường gặp ở những người phải làm việc nặng nhọc dưới trời nắng nóng với cường độ cao, kéo dài.
Biểu hiện của sốc nhiệt thường là các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, khát nước và chóng mặt nhưng cũng có thể xảy ra khi không có dấu hiệu báo trước.
Người bị sốc nhiệt thường lú lẫn, lo lắng, nói lắp, cáu kỉnh, mê sảng, co giật và nếu nặng có thể hôn mê, nếu cấp cứu không kịp thời có thể đột tử.
Một số triệu chứng kèm theo khi bị sốc nhiệt là đau nửa đầu, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, nóng bừng mặt.
Những triệu chứng nguy hiểm có thể xuất hiện như sốt cao, ngất xỉu (kiệt sức vì nóng), nặng sẽ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh như mê sảng, rối loạn hô hấp như thở nhanh, rối loạn tim mạch.
Nhiệt độ cơ thể lớn hơn hoặc bằng 40oC là dấu hiệu chính của sốc nhiệt.
Sốc nhiệt là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt, là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt.
Sốc nhiệt có thể gây tổn hại cho não, tim, thận, tiêu cơ vân và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.
Cách xử lý khi bị sốc nhiệt
Khi phát hiện người nghi bị sốc nhiệt cần nhanh chóng làm mát cơ thể bằng cách đưa vào nơi có bóng râm, mát hoặc đưa vào trong nhà, cởi bỏ bớt quần áo.
Đồng thời làm mát người bằng cách phun nước mát, ngâm nước mát, nhúng khăn vào nước mát lau lên người, có thể đặt túi nước đá, khăn lạnh vào đầu, cổ, nách, háng người bệnh.
Cho người bệnh uống nước mát hoặc các loại đồ uống không có cồn khác nếu họ có thể uống được.
Nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị ngay, tránh xảy ra biến chứng.