Sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng
Theo báo cáo của của Ban Chỉ đạo do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tại phiên họp cho biết, đến 11/9/2022, thế giới ghi nhận trên 613 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19.
Biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Trong 7 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 liên tục có các chỉ đạo tăng cường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19; ban hành các văn bản yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và yêu cầu thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 tại một số địa phương còn chậm
Tính đến hết ngày 11/9, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77,0% và tỉ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2% (so với tổng dân số tỉ lệ này là 56%, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới (28,0%)). Tỉ lệ tiêm mũi 4 là 77,0%.
Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 85,8%; tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 57,6%.
Trong tháng 8, cả nước tiêm được khoảng 11 triệu liều vaccine, trung bình mỗi ngày tiêm được 360.000 liều (ngày thấp nhất tiêm được gần 100.000 liều, ngày cao nhất tiêm được hơn 800.000 liều).
Tuy nhiên, cũng tại báo cáo này cho biết mặc dù người dân đã đi tiêm chủng nhiều hơn sau khi xuất hiện biến chủng của virus và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng chính quyền cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, tuy nhiên tốc độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương chưa đạt tiến độ; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt như mong muốn.
Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường
- Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”
- Dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn
Ban Chỉ đạo dự báo, trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vì vậy vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch nên phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch…