Theo Thủ tướng Chính phủ số ca nhiễm COVID-19, ca chuyển nặng, ca tử vong của TP HCM giảm xuống thấp. Thành quả này chính là từ “vũ khí” vaccine… Vì thế, chúng ta cần tập trung thần tốc, thần tốc hơn nữa trong thực hiện tiêm vaccine để có cơ sở mở cửa an toàn…
Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng dự hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.
Hội nghị kết nối đến hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc. Dự hội nghị tại đầu cầu 63 địa phương có lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong năm 2021, TP HCM là tâm dịch lớn nhất của cả nước, cũng là nơi khó khăn nhất vì là Thành phố đông dân nhất (12-13 triệu dân). Trong quá trình này, cả nước dồn sức cho Thành phố để tập trung chống dịch, đặc biệt là ưu tiên vaccine, trang thiết bị… Thành phố chịu trách nhiệm cao cả phải ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là gần một tháng nay, TP HCM mở cửa song ca mắc giảm, từ chỗ “vùng đỏ” đến “vùng xanh” toàn bộ. Ca nhiễm, ca chuyển nặng, ca tử vong của TP HCM giảm xuống thấp. Thành quả này chính là từ “vũ khí” vaccine, vaccine được ưu tiên sớm cho Thành phố, đặc biệt là mũi 3, mũi cho trẻ em.
“Từ kinh nghiệm của TP HCM, an toàn của Thành phố trong thời điểm hiện nay, để thấy các địa phương cần tích cực hơn nữa trong thực hiện tiêm vaccine để an toàn trong mở cửa. Vì thế, chúng ta cần tập trung thần tốc, thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine để có cơ sở mở cửa an toàn”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong cuộc chiến phòng chống dịch ở nước ta, xác định vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng của vaccine, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo mua, nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vaccine và tổ chức tiêm vaccine cho người dân nhanh nhất, nhiều nhất có thể, tiêm vaccine miễn phí cho người dân và người nước ngoài sinh sống, cư trú, làm việc tại Việt Nam.
Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Thành lập tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị và vật phẩm y tế cho phòng chống dịch COVID-19.
Cho đến nay tổng số vaccine đã tiếp nhận 209,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ; đạt mục tiêu của Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine năm 2021. Đã phân bổ 187,6 triệu liều; còn khoảng 22 triệu liều mới được tiếp nhận cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.
Đã kịp thời phân bổ vaccine theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch…; ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động.
Tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam. Trong thời gian ngắn, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Đến nay, cả nước đã tiêm được trên 168 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 89,6 % số vaccine phân bổ qua 119 đợt; trong đó mũi 1: 78.595.722 liều, mũi 2: 73.645.733 liều, mũi bổ sung: 5.033.774 liều, mũi 3: 10.727.934 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 153.333.516 liều, trong đó có 70.487.591 liều mũi 1; 67.084.217 liều mũi 2, 5.033.774 liều mũi bổ sung; 10.727.934 liều mũi 3. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 100% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 94,0% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 60/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 39 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trên 95%.
Về triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12-17 tuổi, đến nay cả nước đã tiêm được 14.669.647 liều vaccine, trong đó có 8.108.131 liều mũi 1 và 6.561.516 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 91,0% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 73,7% cho trẻ em từ 12 -17 tuổi. Đã có 35 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này.
Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản, so với mục tiêu WHO khuyến cáo, Việt Nam đã về đích trước 6 tháng. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.
Về việc tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi Việt Nam đang tích cực chuẩn bị và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, TS Satolo Otsu, đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam bày tỏ “thực sự ấn tượng trước thành quả tiếp cận, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam”.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine lớn. Khi mở cửa theo Nghị quyết 128, cả nước mới chỉ tiêm được hơn 42 triệu liều vaccine, chủ yếu ở các tỉnh diễn biến dịch nghiêm trọng đến nay chúng ta đã tiêm được hơn 152 triệu liều.Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tap-trung-than-toc-hon-nua-trong-tiem-vaccine-phong-covid-19-de-co-co-so-mo-cua-an-toan-169220120105744203.htm