8 hiểu lầm thường gặp và sự thật về việc tăng cholesterol

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2017, tăng cholesterol gây ra gần 4 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, năm 2019, tăng LDL cholesterol là nguyên nhân gây ra 6.43% số ca tử vong. Mặc dù tăng cholesterol là một bệnh phổ biến nhưng rất nhiều người vẫn còn có những hiểu lầm về cách kiểm soát bệnh.

Hình: Tăng LDL cholesterol trên toàn thế giới (2019)

Tăng cholesterol xảy ra khi có quá nhiều mỡ trong máu, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim.mạch. Có nhiều nguyên nhân gây tăng cholesterol, tuy nhiên, tăng cholesterol chủ yếu là do ăn nhiều đồ ăn có chứa chất béo không tốt cho sức khoẻ, không luyện tập thể thao đủ, thừa cân, hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn. Ngoài các yếu tố chính về lối sống, thì tăng cholesterol cũng có thể là do di truyền. Có khoảng 1 trên 200 trường hợp tăng cholesterol là do di truyền, tuy nhiên, 90% trong số họ không biết mình bị tăng cholesterol có tính di truyền.

Dưới đây là những hiểu lầm thường gặp về việc tăng cholesterol

Hiểu lầm số 1: Bạn sẽ biết nếu mình bị tăng cholesterol

Đa số những người bị tăng cholesterol sẽ không xuất hiện triệu chứng gì. Một số người sẽ phát triển các mảng lắng đọng cholesterol trên da, nhưng thường thì tình trạng này sẽ không xuất hiện trừ khi mức cholesterol của bạn đã tăng quá cao.

Nhiều người chỉ xuất hiện dấu hiệu khi gặp phải các biến chứng của tình trạng xơ vữa động mạch do tăng cholesterol quá cao. Khi các động mạch bị tắc nghẽn do các mảng bám, lưu lượng máu đến tim, não và các phần khác của cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra các biến chứng, bao gồm Đau thắt  ngực, Hoại tử mô, Nhồi máu cơ tim, Đột quỵ, Rối loạn chức năng thận, Đau chân khi đi bộ…

Tốt nhất nên kiểm tra mức độ cholesterol của mình sớm để làm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng.

Theo khuyến nghị của CDC Hoa Kỳ, người trưởng thành khoẻ mạnh nên kiểm tra lượng cholesterol 4-6 năm/lần. Với những người mắc các bệnh mạn tính, có tiền sử gia đình tăng cholesterol cần kiểm tra thường xuyên hơn. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng nên kiểm tra mức cholesterol trong máu một lần trong khoảng 9-11 tuổi và một lần trong khoảng 17-21 tuổi.

Hiểu lầm số 2: Tất cả mọi người đều cần đạt đến một mục tiêu cholesterol nhất định?

Không có mục tiêu cholesterol chung cho tất cả mọi người. Bác sĩ sẽ xem xét chỉ số cholesterol trong kết quả xét nghiệm của bạn cùng với các yếu tố nguy cơ khác để đưa ra một con số hợp lý. Thông thường, hàm lượng cholesterol lý tưởng với người trưởng thành khỏe mạnh là:

  • Cholesterol toàn phần dưới 5.2mmol/L
  • LDL dưới 3.4mmol/L

Giới hạn này có thể thay đổi nếu người bệnh có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn do tiền sử gia đình hoặc do các yếu tố khác và không có các cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trước đây.

Đối với trẻ em, theo khuyến nghị của Tạp chí của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (Journal of the American College of Cardiology – JACC), mức cholesterol khuyến nghị như trong bảng sau:

Hiểu lầm số 3: Nếu đã sử dụng thuốc hạ cholesterol thì sẽ không phải quan tâm đến chế độ ăn nữa?

2 nguồn có thể ảnh hưởng đến lượng cholesterol bao gồm:

  • Chế độ ăn (ảnh hưởng đến khoảng 20% lượng cholesterol trong cơ thể)
  • Cholesterol từ gan sản xuất (chiếm khoảng 80% lượng cholesterol trong cơ thể)

Các thuốc hạ mỡ máu phổ biến như statin sẽ giúp làm giảm lượng cholesterol mà gan tạo ra nhưng nếu bạn không có chế độ dinh dưỡng cân bằng thì lượng cholesterol của bạn vẫn sẽ tăng cao.

Một nghiên cứu năm 2014 trên hơn 27.800 người chỉ ra rằng năng lượng và chất béo nạp vào sẽ tăng lên ở những người sử dụng statin nhưng lại vẫn duy trì ổn định ở những người không sử dụng statin. Chỉ số khối cơ thể BMI cũng sẽ tăng lên ở những người sử dụng statin.

Hiểu lầm số 4: Nữ giới không cần lo lắng về việc tăng cholesterol

Tăng cholesterol là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch. Và bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nữ, theo CDC. Bệnh tim mạch ảnh hưởng đến nam giới và nữ giới là tương tự nhau.  Một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến lượng cholesterol đặc trưng cho nữ giới bao gồm mang thai, cho con bú, thay đổi hormone, mãn kinh…

Bình thường nam giới thường có chỉ số cholesterol cao hơn nữ giới, nhưng khi bước sang tuổi 60 điều đó sẽ bắt đầu thay đổi. Vào độ tuổi 70 và 80, đa số phụ nữ sẽ có nồng độ cholesterol toàn phần cao hơn nam giới. Mặc dù khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của tình trạng này nhưng sự thiếu hụt estrogen khi bước sang thời kỳ mãn kinh có thể là yếu tố thúc đẩy nồng độ cholesterol tăng cao.

 Hiểu lầm số 5: Bị tăng cholesterol thì cần giảm tiêu thụ chất béo trong chế độ ăn?

Như đã giải thích ở trên, cholesterol trong chế độ ăn chỉ ảnh hưởng đến khoảng 20% lượng cholesterol trong cơ thể. Khi hạn chế, thậm chí loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn, chưa chắc đã giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu mà ngược lại, còn có thể kích thích gan sản xuất ra nhiều cholesterol hơn bù lại lượng trong chế độ ăn.

Do vậy, thay vì loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn, nên lựa chọn các chất béo tốt cho sức khoẻ, ví dụ như chất béo không bão hoà đơn, chất béo không bão hoà đa. Chất béo này có thể đến từ các loại dầu như dầu ôliu, dầu gạo lứt, dầu hạt cải, dầu hướng dương hoặc từ các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá kiếm….Ngoài ra, nên tập trung ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, hạt và thịt nạc. Cũng cần cắt giảm lượng nội tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói, thịt mỡ,… vì đây là những nguồn thực phẩm nhiều cholesterol.

Hiểu lầm số 6: Nếu đã sử dụng thuốc hạ cholesterol thì sẽ không phải quan tâm đến chế độ ăn nữa?

Các thuốc hạ mỡ máu phổ biến như statin sẽ giúp làm giảm lượng cholesterol mà gan tạo ra nhưng nếu bạn không có chế độ dinh dưỡng cân bằng thì lượng cholesterol của bạn vẫn sẽ tăng cao.

Cần phải kết hợp giữa việc thực hiện các lối sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý và sử dụng thuốc theo đúng liều kê đơn của bác sĩ.

 Hiểu lầm số 7: Bị tăng cholesterol máu thì không được ăn trứng do đó là một thực phẩm giàu cholesterol?

Đúng là trước đây, hạn chế ăn trứng khi bị tăng cholesterol và có nguy cơ bệnh tim mạch là một trong những khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào năm 2002, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã phải xem xét lại khuyến nghị này của mình và đưa ra khuyến nghị mới.  Hiện nay, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ không đưa ra con số cụ thể về việc người bị tăng cholesterol máu nên ăn bao nhiêu quả trứng mỗi ngày nữa, thay vào đó, chỉ cần kiểm soát lượng cholesterol trung bình nạp vào hàng ngày dưới mức 300mg/ngày là được. Trung bình, 1 quả trứng cung cấp khoảng 186mg cholesterol và lượng cholesterol này hoàn toàn nằm ở lòng đỏ. Như vậy, việc mỗi ngày ăn 1 quả trứng là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được, miễn là tổng mức cholesterol tiêu thụ trong ngày của bạn ở ngưỡng cho phép.

Hiểu lầm số 8: Nếu bạn dưới 40 tuổi và có thân hình đẹp, bạn không cần kiểm tra lượng cholesterol?

Tăng cholesterol ảnh hưởng đến tất cả các độ tuổi và tất cả các dạng cơ thể, cho dù bạn gầy hay béo, cao hay thấp, thiếu cân hay thừa cân. Kể cả những người có thân hình lý tưởng và dưới 40 tuổi cũng có thể bị tăng cholesterol. Nghiên cứu năm 2008 tại Mỹ cho thấy có khoảng một phần tư số người Mỹ không thừa cân béo phì nhưng vẫn bị tăng cholesterol máu. Những người gầy, nhỏ, có chỉ số BMI thấp thường cho rằng mình không có nguy cơ tăng cholesterol, do vậy, họ thường không chú ý đến các yếu tố liên quan đến lối sống và chế độ ăn để dự phòng tình trạng tăng cholesterol. Từ đó, nguy cơ tăng cholesterol của họ thậm chí còn cao hơn.

Theo: Hoàng GiangGiám đốc Trung tâm Truyền Thông và chăm sóc sức khoẻ – Tổng Hội Y học Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *