Bộ Y tế đã đàm phán mua được khoảng 150 triệu- 170 triệu liều vắc xin phòng COVID-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Vắc xin là biện pháp rất căn cơ trong phòng, chống dịch. Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân nhất một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế.

Sáng 4/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 gặp gỡ đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đóng góp ý kiến và ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vắc xin sớm nhất

Thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra trong hơn 1 năm qua. Đến nay, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Hệ lụy dịch bệnh tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều nguồn lực trực tiếp và gián tiếp vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 như hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ, tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch…

 Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ muốn huy động toàn dân tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, vắc xin là một trong những biện pháp căn cơ để chống dịch, do đó, Chính phủ hoan nghênh mọi cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia vào để Việt Nam có vắc xin sớm nhất, tiêm an toàn cho nhiều người dân nhất, sớm có miễn dịch trong cộng đồng để quay lại cuộc sống bình thường.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp để đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vắc xin, chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin, cơ chế ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong doanh nghiệp… Tất cả các vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu.

Đối với những vắc xin Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày. Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vắc xin sớm nhất.

anh cuong 4

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nêu rõ: Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vắc xin sớm nhất.  Ảnh:Đình Nam/VGP

Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, ủng hộ chiến lược vắc xin của Chính phủ

Khẳng định nguyên tắc của Chính phủ là huy động toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Vắc xin là biện pháp rất căn cơ trong phòng, chống dịch. Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vắc xin sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân nhất một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế.

Từ cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo đã xác định nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 còn tồn tại lâu, chỉ khi nào có vắc xin hoặc thuốc đặc trị thì mới ngăn chặn được dịch bệnh này. Vì vậy, chúng ta đã đặt ra quyết tâm phải có vắc xin sớm nhất.

Từ đầu năm 2020, Bộ Y tế được giao tiếp xúc với tất cả các công ty có tiềm năng sản xuất vắc xin trên thế giới để đàm phán mua, nhập khẩu vắc xin hoặc nhận chuyển giao công nghệ. Từ tháng 8/2020, Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua vắc xin của công ty Astra Zeneca. Đồng thời, Bộ KH&CN cùng với Bộ Y tế được giao triển khai nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước.

Căn cứ vào đề nghị của Bộ Y tế, Chính phủ đã chỉ đạo tổng lực đàm phán, chuẩn bị nguồn kinh phí mua vắc xin.

Phó Thủ tướng khẳng định: Vắc xin về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm. Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vắc xin nói riêng. Chính phủ thành lập Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Dự kiến, Bộ Y tế đã đàm phán mua được khoảng 150 triệu đến 170 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.

NQH_1267

Ảnh Đình Nam/VGP

Theo Phó Thủ tướng, trong lúc vắc xin là giải pháp chống dịch hữu hiệu nhưng đang khan hiếm, tâm lý chung của từng người, từng doanh nghiệp, ngành nghề… đều muốn được tiêm trước. Nhưng không thể vì doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ kinh phí mua vắc xin mà lấy đi cơ hội của những người chịu rủi ro nhiều hơn, cần được ưu tiên tiêm trước theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và nguyên tắc tiếp cận công bằng vắc xin của Liên Hợp Quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, các doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào thực hiện chiến lược vaccine không chỉ việc đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp công khai, minh bạch. 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 (www.antoancovid.vn) để đánh giá được sự sẵn sàng và đánh giá được nguy cơ dịch bệnh. 

Cảm ơn Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dành thời gian lắng nghe, trao đổi với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ tích cực đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19, để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để tiêm chủng cho người dân.

Thái Bình

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/du-kien-bo-y-te-da-dam-phan-mua-duoc-khoang-150-trieu-170-trieu-lieu-vac-xin-phong-covid-19-n194289.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *