Nhiễm lao ở trẻ em

Nhiễm lao ở trẻ em

Trẻ em có dễ nhiễm lao hay không? Cần lưu ý gì để bé không bị nhiễm căn bệnh này? Cùng tìm hiểu tại bài viết:
Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao (BK), do lây nhiễm trực tiếp. Trẻ em – nhất là trẻ sơ sinh dễ bị lây bệnh. Ở trẻ em, bệnh lao chiếm tỷ lệ 10 – 15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hằng năm. Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên, thường gặp hơn cả là các thể: Lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu, lao cấp tính, lao hô hấp sau sơ nhiễm, lao phổi, lao màng phổi và lao ngoài phổi. Cho đến nay, tiêm vaccin vẫn là biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả nhất.

Những đối tượng có nguy cơ nhiễm lao

Mặc dù số ca nhiễm lao hiện nay đã giảm so với trước kia, một số nhóm trẻ em vẫn là đối tượng có nguy cơ cao mắc lao, bao gồm:

  • Trẻ sống trong gia đình có người lớn đang bị nhiễm lao thể hoạt động.
  • Trẻ bị nhiễm HIV hoặc một căn bệnh khác làm suy yếu hệ miễn dịch.
  • Trẻ sinh ra tại khu vực có tỷ lệ mắc lao cao.
  • Trẻ tới các khu vực đang có dịch lao và đã từng tiếp xúc với những người bị nhiễm lao tại đó.
  • Trẻ sống tại những cộng đồng chưa có hệ thống chăm sóc y tế hợp lý.

Bệnh lao lây lan thế nào

Bệnh lao thường lây theo đường hô hấp khi một người bị thể lao hoạt động ho, hắt hơi làm các vi khuẩn lao phát tán trong không khí. Trẻ em hít phải các vi trùng này và bị nhiễm lao. Trẻ em dưới 10 tuổi bị lao phổi hiếm khi lây cho người khác bởi ở những đối tượng này số lượng vi khuẩn trong dịch tiết hô hấp còn khá ít.

Trong đa số trường hợp, trẻ bị phơi nhiễm với lao sẽ không bị phát triển thành thể lao hoạt động. Khi vi khuẩn vào phổi, hệ miễn dịch của cơ thể thể hoạt động để chống lại chúng và ngăn không cho chúng lan rộng (lao sơ nhiễm). Những trẻ này bị nhiễm vi khuẩn lao nhưng không biểu hiện triệu chứng và có thể xác định bằng test phản ứng da. Tuy nhiên, nhóm trẻ này vẫn cần phải được điều trị để đề phòng lao sơ nhiễm phát triển thành dạng hoạt động về sau.

Triệu chứng

Nếu trẻ không được điều trị kịp thời, bệnh lao sẽ tiến triển nặng hơn gây nên các triệu chứng sốt, mệt mỏi, kích thích, ho dai dẳng, kiệt sức, thở nhanh và khó thở, ra mồ hôi ban đêm, sưng hạch bạch huyết, sút cân và chậm phát triển thể chất.

Nhiễm lao ở trẻ em
Nhiễm lao ở trẻ em

Trong một số rất ít trường hợp với trẻ em dưới 4 tuổi, vi khuẩn lao có thể lan vào máu tuần hoàn và gây nhiễm lao cho một số bộ phận khác của cơ thể. Nguy hiểm nhất là lao màng não, một căn bệnh ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương.

Chẩn đoán

Đối với những trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm lao nên thực hiện một xét nghiệm gọi là test tuberculin trên da để xác định xem có bị nhiễm vi khuẩn lao hay không. Xét nghiệm này được thực hiện tại bệnh viện, bác sỹ sẽ tiêm một lượng nhỏ vi khuẩn lao đã được tinh chế và làm bất hoạt ở vùng da ở mặt trên cánh tay. Nếu trẻ đã bị nhiễm vi khuẩn lao, da trẻ sẽ bị sưng và tấy đỏ tại vị trí tiêm. Bác sỹ sẽ kiểm tra vùng da từ 48 – 72h sau tiêm và đo đường kính của vết sưng đỏ. Test trên da này sẽ xác định được trẻ có bị nhiễm vi khuẩn lao trước kia hay không ngay cả khi trẻ không có biểu hiện triệu chứng gì.

Điều trị

  • Nếu test tuberculin trên da cho kết quả dương tính: bác sỹ sẽ chỉ định cho trẻ chụp X quang để xác định xem trẻ có bị nhiễm lao thể hoạt động hay không. Bác sỹ cũng sẽ xét nghiệm dịch đờm để tìm vi khuẩn lao và quyết định phương pháp điều trị.
  • Nếu test trên da dương tính nhưng trẻ không biểu hiện triệu chứng của thể lao dạng hoạt động: Để phòng ngừa thể lao tiến triển, trẻ sẽ được kê thuốc isoniazid (INH) để trẻ uống hàng ngày và sử dụng trong ít nhất trong 9 tháng.
  • Đối với thể lao dạng hoạt động: trẻ sẽ được kê từ 3 – 4 loại thuốc sử dụng trong vòng từ 6 – 12 tháng. Thuốc lao có nhiều tác dụng phụ, do đó trẻ cần được theo dõi, tái khám đầy đủ theo hẹn của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc để đánh giá kết quả điều trị cũng như gải quyết những tác dụng phụ của thuốc lao nếu có.

Kiểm soát sự lây lan của bệnh lao

Nếu trẻ đã bị nhiễm vi khuẩn lao, bất kể trẻ có biểu hiện triệu chứng hay không cũng cần thiết phải cách ly trẻ với đối tượng đã lây bệnh cho trẻ. Thông thường, những người đã từng tiếp xúc gần với trẻ là những đối tượng có khả năng lây bệnh cao nhất. Các triệu chứng lao có thể quan sát được chủ yêu ở người lớn là ho dai dẳng, ho ra máu. Những người có test trên da dương tính nên được kiểm tra sức khỏe tổng thể và chụp X quang để xác nhận chẩn đoán.

Nếu phát hiện có người lớn trong gia đình bị nhiễm lao: người đó nên được cách ly càng sớm càng tốt cho tới khi việc điều trị có thể kiểm soát tốt các triệu chứng. Tất cả các thành viên trong gia đình đã từng tiếp xúc với đối tượng đó nên được điều trị bằng isoniazid, bất kể là kết quả test trên da dương tính hay âm tính. Tất cả những người biểu hiện triệu chứng hoặc có hình ảnh chụp X quang bất thường nên được điều trị dưới dạng thể lao hoạt động.

Bệnh lao phổ biến hơn trong những cộng đồng dân cư có thu nhập thấp, do điều kiện sống nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng và không được chăm sóc y tế. Bệnh nhân AIDS cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao do sức đề kháng suy yếu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *