Tổ chức FIDR đã giúp cải thiện hiệu quả tình trạng dinh dưỡng của trẻ em tại các vùng can thiệp thuộc tỉnh Kontum

Tổ chức FIDR đã giúp cải thiện hiệu quả tình trạng dinh dưỡng của trẻ em tại các vùng can thiệp thuộc tỉnh Kontum

Tổ chức FIDR triển khai Dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tỉnh Kon Tum” tại 2 huyện với mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tại 2 huyện triển khai dự án. Từ tháng 4/2012 đến nay, dự án được triển khai tại 15 xã thuộc 2 huyện Đăk Tô và Đăk Glei, với 84 thôn được can thiệp.

Việt Nam là một trong những quốc gia mà Tổ chức Cứu trợ/Phát triển Quốc tế (FIDR) – một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản lựa chọn để triển khai các hoạt động nhân đạo từ năm 1991.

Năm 1993, FIDR tham gia hỗ trợ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu với việc cải thiện điều kiện sống cho trẻ em có điều kiện khó khăn và đầu tư vào các cơ sở giáo dục tiểu học cho người khiếm thị.

Trong năm sau đó, FIDR chuyển các mục tiêu hoạt động đến những khu vực ở miền trung Việt Nam, nơi mà các chương trình viện trợ quốc tế ít có các hoạt động. Sau khi mở văn phòng tại thành phố Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung Việt Nam, năm 1998, FIDR đã và đang hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số ở miền núi và các nhóm đô thị nghèo.

Dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tỉnh Kon Tum”
Dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tỉnh Kon Tum”

Tỉnh Kon Tum, một tỉnh vùng cao nguyên có chung biên giới với Lào và Campuchia, là một trong những khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao nhất trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Dù được hỗ trợ, ưu tiên của Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng quốc gia tuy nhiên nguồn lực cho hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế, và người dân vẫn còn thiếu các kiến thức về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Từ năm 2012, dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em của tỉnh Kontum” bắt đầu được triển khai với sự tham gia nòng cốt của tổ chức FIDR và sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế của tỉnh Kontum và sự cố vấn chuyên môn của Ts.Bs Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam (khi đó là Điều phối viên quốc gia của chương trình Phòng chống dinh dưỡng).

Mục tiêu của can thiệp là Giáo dục về dinh dưỡng, sức khoẻ và triển khai các can thiệp liên quan nhằm giảm tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng. Từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2016, dự án được triển khai tại 08 xã thuộc 2 huyện Đăk Tô và Đăk Glei; Từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2018, mở rộng thêm 11 xã thuộc 3 huyện Đăk Tô, Đăk Glei và Tu Mơ Rông với các hoạt động tiêu biểu của dự án bao gồm: việc tổ chức thực hành dinh dưỡng được lồng ghép với sinh hoạt định kỳ theo nhóm, truyền thông cho các bà mẹ để sử dụng kiến thức và kỹ năng hợp lý để thực hành chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ dưới 4 tháng tuổi (việc trẻ em dưới 04 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn được cải thiện), hỗ trợ xây dựng mô hình vườn rau dinh dưỡng, mô hình “Không gian của mẹ” tại cộng đồng, tổ chức lồng ghép với các Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng quốc gia, cấp Vitamin A và thuốc tẩy giun, ngày hội truyền thông giáo dục sức khỏe và các hội thảo truyền thông về sức khỏe cho phụ nữ nằm trong độ tuổi sinh sản, thực hành các kỹ năng phòng bệnh và chăm sóc hợp lý khi trẻ bị bệnh, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em…

Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho Ban quản lý huyện và Ban điều hành xã, cán bộ mạng lưới về kiến thức, kỹ năng điều hành các hoạt động, điều hành nhóm hay những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai, chăm sóc sức khỏe trẻ em… những hoạt động của dự án đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng suy dinh dưỡng trên các địa bàn can thiệp.

Sau 6 năm can thiệp, từ ngày 23/03-11/04/2018, dự án FIDR đã tổ chức điều tra đánh giá hiệu quả can thiệp dựa trên các tiêu chí về: tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi, tình hình tiêu thụ thực phẩm của trẻ dưới 2 tuổi, kiến thức và thực hành về chăm sóc trẻ dưới hai tuổi của các bà mẹ.

Hội thảo chia sẻ kết quả thực hiện Dự án FIDR vào ngày 12/06/2018
Hội thảo chia sẻ kết quả thực hiện Dự án FIDR vào ngày 12/06/2018

Ngày 12/6/2018, tại Kon Tum, Tổ chức cứu trợ/phát triển quốc tế (FIDR) tại Việt Nam đã phối hợp với Ngành Y tế tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả thực hiện Dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại tỉnh Kon Tum”.

Tại hội thảo, TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã trình bày về kết quả của đánh giá hiệu quả can thiệp cộng đồng lên tình trạng dinh dưỡng của trẻ em 2 huyện của dự án: tại các xã can thiệp 6 năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ thể nhẹ cân giảm 9,58% so với thời điểm trước can thiệp (từ 24,9% xuống còn 15,32%); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 25,57% so với thời điểm trước khi can thiệp (52,3% xuống còn 26,73%); tỷ lệ bà mẹ thay đổi nhận thức và hành vi về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ đã cải thiện rõ rệt.

TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam trình bày về kết quả của đánh giá hiệu quả can thiệp của dự án FIDR
TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam trình bày về kết quả của đánh giá hiệu quả can thiệp của dự án FIDR

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia về y tế đã kết luận và đưa ra một số khuyến nghị như sau: Cần tiếp tục truyền thông về dinh dưỡng cho trẻ bệnh cho bà mẹ để làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng gầy còm ở nhóm can thiệp.

Trong số các nội dung truyền thông, nên tập trung truyền thông về cho con bú, cai sữa, sự lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm. Cần duy trì và mở rộng phạm vi mô hình can thiệp ra tất cả các huyện tại tỉnh Kon Tum để tất cả các bà mẹ và trẻ em đều nhận được lợi ích từ chương trình can thiệp này. Những kết quả trên cùng với những kinh nghiệm và câu chuyện của các đại biểu tham dự hội thảo đã cho thấy tất cả những hoạt động của dự án FIDR đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi cùng với kiến thức và thực hành về chăm sóc trẻ dưới 2 tuổi của bà mẹ trên các địa bàn can thiệp./.

Tổ chức FIDR triển khai Dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tỉnh Kon Tum” tại 2 huyện với mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tại 2 huyện triển khai dự án. Từ tháng 4/2012 đến nay, dự án được triển khai tại 15 xã thuộc 2 huyện Đăk Tô và Đăk Glei, với 84 thôn được can thiệp.
Việt Anh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *